Hầu hết người dân Việt Nam vẫn chưa hiểu rõ về giá trị của hạt điều. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến loại thực phẩm quan trọng này ít có chỗ đứng ngay ở chính nơi nó ra đời,… đó là nhận định của đa số các chuyên gia thị trường trong và ngoài nước, các doanh nghiệp tại Diễn đàn giá trị điều Việt Nam do Hiệp Hội điều Việt Nam tổ chức ngày 1/12 tại TP.Hồ Chí Minh.
Bà Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội dinh dưỡng Việt Nam cho biết, hạt điều là một nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, với nhiều thành phần dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể con người như protein, lipid, carbohydrate; nhiều chất khoáng như phospho, magie, calcium, kali, sắt…trong khi đó, chỉ số đường huyết trong hạt điều rất thấp chỉ có 9,5% so với xôi là 79%, bánh mì 55%, cơm gạo tấm 53%, bún 51%,… do đó, nếu sử dụng một lượng thích hợp, nó không chỉ tốt cho sức khỏe của những người bình thường mà đặc biệt hiệu quả đối với những bệnh nhân bị bệnh đái tháo đường. Do nó chứa nhiều loại dinh dưỡng tốt nên nó giúp cho người bệnh nhanh hồi phục sức khỏe.
Tuy nhiên, theo bà Diệp, hầu hết người dân Việt Nam vẫn chưa biết được công dụng khi sử dụng hạt điều, họ chỉ sử dụng hạt điều như một thức ăn chơi chứ chưa sử dụng như một loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao.
Đề cập đến nguyên nhân người tiêu dùng trong nước vẫn chưa có thói quen dùng sản phẩm được chế biến từ hạt điều, TS Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, sản phẩm vẫn chưa được quảng bá thích hợp; khâu tiếp thị còn hạn chế; sản phẩm hàng hóa từ hạt điều đơn điệu, mới dừng lại ở điều rang muối, chao dầu, kẹo hoặc bánh có nhân điều. Trong khi đó, thời diểm kinh doanh chỉ bán rộng rãi vào dịp Tết nguyên đán…nên chưa tạo thói quen tiêu dùng cho người dân.
Là một đất nước sản xuất hạt điều hàng đầu thế giới, Ấn độ đã rất thành công đối với việc phát triển thị trường tiêu thụ trong nước. Đề cập đến những kinh nghiệm của Ấn Độ, ông Venkatesan Rajkumar, đại diện một doanh nghiệp của Ấn Độ cho biết: “Trước đây người dân Ấn Độ cũng không có thói quen ăn hạt điều, ngành điều của chúng tôi cũng đầy thăng trầm. Để cứu ngành điều và người nông dân thoát khỏi cảnh phập phù, chúng tôi đã có những giải pháp đồng bộ. Cụ thể, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng về giá trị của hạt điều; đưa hàng vào trưng bày và bán ở tất cả các siêu thị, cửa hàng, các chợ; thường xuyên tổ chức các lễ hội về cây điều… Quá trình đến với người tiêu dùng đối với sản phẩm điều này kéo dài khoảng 20 năm”.
Theo ông Venkatesan, 20 năm không phải là dài đối với một mặt hàng truyền thống từ lâu đời, có giá trị kinh tế cao và có nhiều người dân sống bằng nghề trồng điều như Ấn Độ và Việt Nam. “Với một lượng dân số không phải quá đông, diện tích ở mức trung bình như ở Việt Nam, các bạn có thể tận dụng những lợi thế về khoa học, công nghệ như Internet, điện thoại bây giờ đã trở nên thông dụng; các bạn có số lượng các cơ quan truyền thông lớn. Tôi nghĩ, nếu làm đúng cách các bạn sẽ chỉ mất một thời gian ngắn để đưa được sản phẩm hạt điều đến với tất cả người dân”, ông Venkatesan chia sẻ.
Ngoài những biện pháp trên, TS Đinh Thị Mỹ Loan còn cho rằng, các sản phẩm đưa ra bán cho người dân, các nhà sản xuất phải tuyệt đối đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ. Đây là những yêu cầu cao nhất đối với người tiêu dùng ngày nay. Kế đến là chất lượng hàng hóa, bao bì mẫu mã và giá cả cũng phải cạnh tranh, phù hợp với mức thu nhập của người dân Việt Nam. Về phương thức bán hàng cũng cần phải đa dạng hơn hình thức bán hàng, khai thác bán hàng theo hình thức trực tuyến nhằm đáp ứng được yêu cầu hội nhập và kỷ nguyên số. TS Loan đề nghị, ở cấp độ Nhà nước cần phải có chính sách, chiến lược phát triển dài hạn, tiến hành các hình thức kích cầu tiêu dùng trong nước đối với sản phẩm hạt điều.
Bà Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Việt Nam – Chủ tịch Hiệp hội dinh dưỡng TP.HCM – Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM cho biết, hạt điều là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Thành phần dinh dưỡng chính của hạt điều bao gồm protein, lipid, carbohydrate, nhiều chất khoáng quan trọng như phospho, magie, calcium, kali, sắt… Nếu sử dụng với một lượng thích hợp, thay thế cho thực phẩm có nguồn gốc động vật hạt điều có thể góp phần vào việc phòng ngừa các bệnh mãn tính không lây như: tim mạch, đái tháo đường…, đồng thời phục hồi sức khoẻ cho người bệnh.
“Tại Việt Nam, hầu hết người dân sử dụng hạt điều như một món ăn chơi chứ chưa sử dụng như một thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao”. Nếu được khẳng định đúng mức và được nhiều người tiêu dùng hiểu rõ hơn về giá trị dinh dưỡng của hạt điều thì sẽ góp phần đưa được loại thực phẩm giá trị cao này đến với người tiêu dùng trong nước hơn, bà Diệp chia sẻ.
Được biết, hiện điều nhân và các sản phẩm chế biến từ hạt điều của Việt Nam được xuất khẩu đến 40 quốc gia, trong đó Mỹ là thị trường lớn nhất với gần 40%; các nước châu Âu gần 30%, Trung Quốc 20%, Úc hơn 11%.